Những diễn biến sau Cách mạng Cách_mạng_Hồi_giáo

Vào ngày 22 tháng 10 năm 1979, chính phủ Mỹ đã cho phép Shah, người đang sống lưu vong, được nhập cảnh vào Hoa Kỳ để điều trị ung thư. Ở Iran, đã có một sự phản đối, khi cả Khomeini và các nhóm cánh tả đều yêu cầu Mỹ giao Shah trở lại Iran để tiến hành xét xử và xử tử.

Vào ngày 4 tháng 11, một nhóm sinh viên đại học Iran tự xưng là Sinh viên Hồi giáo Dòng Imam, đã xông vào Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, bắt giữ 52 nhân viên đại sứ quán làm con tin trong 444 ngày - một sự kiện được gọi là cuộc khủng hoảng con tin Iran. Tại Hoa Kỳ, việc bắt giữ con tin được coi là một sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và làm dấy lên sự tức giận dữ dội cũng như thái độ chống Iran [121][122].

Vào tháng 9 năm 1980, Iraq đã phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào Iran, bắt đầu cuộc Chiến tranh Iran-Iraq (tháng 9 năm 1980 - tháng 8 năm 1988).

Tình hình kinh tế-xã hội sau cuộc Cách mạng

Khomeini đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều phụ nữ Hồi giáo trong vụ lật đổ Shah và trước khi Cách mạng thắng lợi, ông ta đã ủng hộ việc đưa phụ nữ tham gia vào mọi lĩnh vực của cuộc sống và thậm chí nói về khả năng có một nữ nguyên thủ quốc gia tại Iran [123]. Tuy nhiên, khi trở lại Iran, lập trường của ông về quyền phụ nữ đã có những thay đổi mạnh mẽ. Khomeini đã phản đối việc trao quyền bầu cử cho phụ nữ và chỉ trích một đạo luật cho phép phụ nữ Hồi giáo ly hôn theo ý muốn cũng như tái hôn, ông ta coi những điều này là trái với kinh sách Hồi giáo và do đó, tương đương với ngoại tình [123].

Chỉ ba tuần sau khi nắm quyền, với lý do là đảo ngược quá trình Tây phương hóa và được hỗ trợ bởi một bộ phận bảo thủ trong xã hội, Khomeini đã hủy bỏ luật ly hôn [123]. Khomeini hạ độ tuổi kết hôn tối thiểu của phụ nữ xuống chỉ còn 13 và thậm chí cho phép các bé gái trên 7 tuổi được phép kết hôn nếu được một bác sĩ ký giấy chứng nhận rằng họ có khả năng tình dục [124][125]. Khomeini cũng chấp thuận việc người lớn thỏa mãn ham muốn tình dục của họ với trẻ em dưới hình thức tình dục không xâm nhập, mặc dù ở hầu hết các quốc gia khác những hành vi như vậy sẽ cấu thành tội ấu dâm [124]. Luật pháp mới được thông qua đã hợp pháp hóa chế độ đa thê, bên cạnh đó cấm phụ nữ ly hôn với đàn ông và xếp ngoại tình vào nhóm tội phạm nghiêm trọng bậc nhất.[126][127]. Phụ nữ bị buộc phải đeo mạng che mặt, và những hình ảnh về một phụ nữ phương Tây được tô vẽ như một biểu tượng của sự không ngoan đạo [123].

Thậm chí tình trạng phân biệt giới tính còn xảy ra trên các phương tiện giao thông công cộng khi mà phụ nữ luôn có ít chỗ ngồi hơn. Trong triều đại của Shah, đã có sự gia tăng của số lượng phụ nữ tham gia lực lượng lao động, nhưng theo các đạo luật tôn giáo mới, đã có sự suy giảm mạnh về số phụ nữ trong lực lượng lao động của Iran. Một số phụ nữ nắm giữ các chức vụ cao cấp trong chính quyền cũng đã buộc phải từ chức vì những luật mới này. Tất cả mọi nỗ lực của shah nhằm cải cách đất nước, Tây phương hóa và giải phóng phụ nữ, đều đã bị xóa bỏ bởi nước Cộng hòa Hồi giáo [128].

Ngay sau khi trở thành lãnh đạo tối cao vào tháng 2 năm 1979, Khomeini đã tuyên bố áp dụng hình phạt tử hình đối với người đồng tính. Trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3, mười sáu người Iran đã bị xử tử do các tội liên quan đến tình dục [129]. Khomeini cũng tạo ra một "Toà án Cách mạng". Là một phần của chiến dịch "làm sạch" xã hội,[130] các tòa án này đã xử tử hơn 100 người nghiện ma túy, gái mại dâm, đồng tính luyến ái, những người hiếp dâm và ngoại tình [131]. Năm 1979, Khomeini đã tuyên bố rằng việc xử tử những người đồng tính luyến ái (cũng như gái mại dâm và ngoại tình) là hợp lý trong một nền văn minh đạo đức theo nghĩa tương tự như hành động cắt một miếng da đã bị mục nát [132].

Chính phủ mới bắt đầu thanh trừng phe đối lập chính trị phi Hồi giáo, cũng như của những người Hồi giáo được coi là không đủ triệt để. Mặc dù cả những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người theo chủ nghĩa Marx ban đầu đã tham gia với những người Hồi giáo để lật đổ Shah, nhưng hàng chục ngàn người trong số họ đã bị chế độ mới xử tử sau đó [133]. Nhiều cựu bộ trưởng và quan chức trong chính phủ của Shah, bao gồm cựu thủ tướng Amir-Abbas Hoveyda, đã bị xử bắn dã man [133]. Vào năm 1983, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) đã cung cấp danh sách các điệp viên và cộng tác viên KGB của Liên Xô đang hoạt động tại Iran cho Khomeini, sau đó Khomeini đã ra quyết định xử tử tới 200 người Cộng sản và đặt Đảng Cộng sản Tudeh của Iran ra ngoài vòng pháp luật.

Khomeini thể hiện rất ít sự quan tâm đối với nền kinh tế đất nước, chính ông cũng khẳng định mình coi trọng "tinh thần hơn vật chất" [134]. Sáu tháng sau bài phát biểu đầu tiên, Khomeini bày tỏ sự bực tức với những lời phàn nàn của người dân về mức sống giảm mạnh của Iran sau cách mạng, ông đã nói rằng: "Tôi không thể tin rằng mục đích của tất cả những sự hy sinh này chỉ là để mua được những quả dưa rẻ tiền hơn" [135]. Trong một dịp khác, nhấn mạnh tầm quan trọng của tử vì đạo so với sự thịnh vượng về vật chất, ông nói: "Có ai muốn con cháu chúng ta tử vì đạo để có được một ngôi nhà tử tế không? Nó không phải là vấn đề quan trọng. Vấn đề quan trọng là thế giới bên kia" [136]. Ông cũng đã trả lời một câu hỏi về các chính sách kinh tế của mình bằng cách tuyên bố thẳng thừng rằng "kinh tế là dành cho những con lừa" [137][Note 1] Các yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến kinh tế Iran bao gồm cuộc chiến tranh lâu dài với Iraq từ năm 1980, chi phí dẫn đến nợ chính phủ và lạm phát, và các biện pháp cấm vận của Mỹ làm xói mòn thu nhập cá nhân và khiến cho tỉ lệ thất nghiệp tăng chưa từng thấy [139].

Tỉ lệ nghèo đói đã tăng gần 45% trong 6 năm đầu cầm quyền của Khomeini [140]. Dòng người di cư từ Iran ra nước ngoài cũng tăng mạnh, lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước xảy ra tình trạng như vậy [141]. Kể từ khi cuộc cách mạng và chiến tranh với Iraq diễn ra, ước tính "hai đến bốn triệu doanh nhân, chuyên gia, kỹ thuật viên và thợ thủ công lành nghề" của Iran đã di cư sang các nước khác.[142][143]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cách_mạng_Hồi_giáo http://www.cbc.ca/world/story/2004/02/11/iran_anni... http://www.adnki.com/index_2Level_English.php?cat=... http://www.britanniaca.com/eb/article-9045329 http://www.britannica.com/eb/article-32981 http://www.britannica.com/ebi/article-202892 http://www.cnn.com/WORLD/meast/9901/31/iran.20th/ http://www.emadbaghi.com/en/archives/000592.php#mo... http://www.fsmitha.com/h2/ch29ir.html http://www.iranchamber.com/government/laws/constit... http://www.iranchamber.com/history/islamic_revolut...